Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không có căn cứ pháp luật để từ chối việc bán cổ phần Vietjet Air. Luật Hàng không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua tối đa 30% cổ phần của hãng hàng không trong nước.
Tuyên bố của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra sau gần một tháng Vietnam Airlines có văn bản phản đối việc Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air bán 30% cổ phần cho hãng giá rẻ AirAsia. Cơ quan này cho rằng pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam không cho phép cơ quan quản lý nhà nước hạn chế nước ngoài đầu tư theo đúng Luật.
|
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không có lý do để không thông quan việc Vietjet Air bán 30% cổ phần cho Hãng hàng không AirAsia. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong văn bản số 1754 gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ việc bà Nguyễn Thị Phương Thảo (cổ đông phổ thông và nắm giữ 30% cổ phần phổ thông tương đương 30% vốn điều lệ của Vietjet Air) chuyển nhượng cổ phần cho AA International Ltd. (AirAsia) không tạo nên pháp nhân mới.
Theo đúng quy định, Vietjet Air phải thực hiện các thủ tục cần thiết để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietjet Air. Cụ thể, thay tên bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành AA International Ltd., các nội dung khác như tên giao dịch, tên hãng, vốn điều lệ... được giữ nguyên.
Về việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vận chuyển của các hãng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Hàng không, Nghị định 76 của Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phân biệt là hãng hàng không hay doanh nghiệp đầu tư vốn vào hãng hàng không Việt Nam với các điều kiện kèm theo. Trong đó, đảm bảo quyền kiểm soát hữu hiệu hãng và không cho phép hãng hàng không nước ngoài thông qua đầu tư vốn để khai thác quyền vận chuyển nội địa VN dưới thương hiệu của mình. Cơ quan nhà nước điều tiết thương quyền nội địa trên các đường bay dựa trên nhu cầu thị trường, khả năng của các hãng hàng không, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Từ các phân tích của mình, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không có căn cứ pháp luật để không thông qua thương vụ bán cổ phần của Vietjet Air cho AA International.
Như vậy, nếu thương vụ mua bán của Vietjet Air và AirAsia thực hiện thành công, đây sẽ là bước ngoặt lớn cho thị trường hàng không Việt Nam. Vietjet Air là hãng hàng không thứ 2 tại Vietnam được cấp giấy phép và chuẩn bị bay chuyến thương mại đầu tiên, dự kiến vào tháng 5.
Trong kế hoạch kinh doanh của mình, Vietjet Air cho biết đã huy động đủ vốn điều lệ là 600 tỷ đồng, tiền đặt cọc thuê mua tàu bay ở nước ngoài là 8 triệu USD. Các chi phí từ ngày thành lập công ty tính đến hết tháng 1/2010 đã lên tới 82 tỷ đồng và đã nộp vào ngân sách trên 10 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Hãng hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) có văn bản đề nghị Chính phủ không thông qua việc đầu tư của Air AirAsia vào Vietjet Air dưới mọi hình thức. Kiến nghị của Vietnam Airlines đưa ra chỉ sau 2 tuần Vietjet Air tuyên bố bán khoảng 30% cổ phần cho hãng giá rẻ của Malaysia AirAsia.
Vietnam Airlines lo ngại một khi AirAsia tham gia với 30% cổ phần trong Vietjet Airlines, thị trường sẽ xáo trộn. Với tiềm lực của mình, AirAsia đã có kế hoạch hợp tác với hãng giá rẻ của Australia - Jetstar thành lập liên minh các hãng hàng không chi phí thấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có chiến lược mở rộng mạng lưới trong khu vực. Như vậy, việc AirAsia đầu tư vào Vietjet Air thực sự là mối lo với thị trường Việt Nam.
Hồng Anh
Theo VnExpress