Sáng 7/4 Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp lần thứ 19, tập trung bàn thảo định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội thủ đô và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.
Quy mô dân số của thủ đô Hà Nội đạt 8 triệu người vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 54%; đạt 9 triệu người vào năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt đến 70%. Hà Nội sẽ được tổ chức không gian theo chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh, 13 thị trấn. Ngoài ra, phát triển các đô thị đối trọng để đảm trách các chức năng trung tâm của một số ngành dịch vụ, công nghiệp có bán kính 50-60km như Hải Dương, Hưng Yên, Phú Lý, Hòa Bình, Việt Trì...
UBND Hà Nội đã đưa ra mục tiêu kinh tế tăng trưởng khá cao, với tổng sản phẩm trong nước hàng năm đạt 9-10% vào thời kỳ 2011-2020 và 7,5%-8,5% vào thời kỳ 2021-2030. GDP bình quân đầu người đạt đến 5.300 USD vào năm 2020 và 12.000 USD vào năm 2030 (năm 2008 GDP bình quân đầu người chỉ xấp xỉ 1.700 USD).
|
Hà Nội có tốc độ đô thị hóa 70% vào năm 2030. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để đảm bảo phát triển theo định hướng trên, dự kiến nhu cầu đầu tư toàn xã hội của Hà Nội là 60 tỷ USD vào thời kỳ 2011-2015 và khoảng 97-98 tỷ USD vào thời kỳ 2016-2020.
UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp huy động vốn, tuy nhiên sử dụng vốn nội lực là chủ yếu. Trong đó, vốn từ doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 48%, vốn đầu tư từ ngân sách sẽ đáp ứng khoảng 16%, vốn từ doanh nghiệp nhà nước chiếm 9-12%...
Thành phố cũng sẽ có một số nhóm chính sách để huy động nguồn lực như cơ chế phân cấp tài chính, ngân sách đầu tư giữa trung ương và địa phương; cơ chế ưu đãi phát triển các khu công nghệ cao, dịch vụ cao cấp; chính sách quản lý đất đai, huy động vốn đầu tư từ quỹ đất; cơ chế thúc đẩy xã hội hóa, công khai, minh bạch trong kêu gọi đầu tư...
Theo ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội, nguồn vốn đầu tư khá lớn trong thời gian tới nên phải làm rõ các biện pháp huy động. Mục tiêu 5 năm tới cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa song Hà Nội hiện thiếu đầu tư cho công nghiệp, xây dựng. Tốc độ phát triển hạ tầng của thủ đô cũng đang chậm lại bởi phải rà soát hàng trăm dự án.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Quận ủy Long Biên nhận xét, Hà Nội phải đột phá phát triển kinh tế trong 10-20 năm tới. Hạ tầng kỹ thuật phải đặt lên hàng đầu, đảm bảo kết nối các khu cũ, khu mới.
Đại biểu này cũng cho rằng, để phát triển thủ đô bền vững, hiện đại phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Thành phố phải mạnh mẽ cải cách hành chính, tạo cơ chế để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư.
Đoàn Loan
Theo VnExpress