CôngThương - Kim ngạch xuất khẩu đang tăng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK điện thoại các loại và linh kiện từ đầu năm đến tháng 4/2012 đạt trên 3 tỷ USD, tăng 161,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xếp thứ 2 (sau dệt may) trong 10 nhóm hàng có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam. Cùng thời gian, XK máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,8 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ. Trong đó, Samsung chiếm ưu thế, ngoài ra là Intel, Canon, Compal, Foxconn…
Ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam- cho biết, hiện, Việt Nam có gần 500 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử dân dụng và chuyên dụng, 2/3 trong số đó là các DN Việt Nam. Cách đây hơn 10 năm, ngành điện tử Việt Nam còn chưa có sản phẩm XK thì đến nay đã có sản phẩm XK đi gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2005 trở lại đây, ngành liên tục đứng trong top 10 ngành có giá trị kim ngạch XK cao nhất của Việt Nam. Dự kiến, có thể sẽ đạt được khoảng 15 - 16 tỷ USD giá trị XK trong năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong thành tích XK của ngành điện tử Việt Nam, các DN Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể, chủ yếu là gia công cho các công ty nước ngoài với các thị trường chủ yếu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan. Các DN nước ngoài hiện vẫn đóng vai trò chủ chốt trong ngành điện tử Việt Nam, chiếm khoảng 80% thị phần trong nước và 95% kim ngạch XK.
Cơ hội từ thị trường “ngách”
Do hạn chế về công nghệ và tiềm lực tài chính nên phần lớn DN điện tử Việt Nam chỉ nhập linh kiện, gia công, lắp ráp sản phẩm dân dụng (tivi, đầu karaoke, tủ lạnh)… để cung ứng cho thị trường nội địa, chủ yếu vẫn là thị trường vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngành điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập cơ cấu sản phẩm mất cân đối giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng (70%) và điện tử chuyên dụng (30%), dẫn đến tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch XK ngành hàng này còn hạn chế.
Tại các thị trường cạnh tranh gay gắt (Mỹ) hoặc thị trường có nhiều hàng rào kỹ thuật (EU), hàng điện tử Việt Nam rất khó thâm nhập. DN Việt Nam muốn vào thị trường này phải tạo ra các thị trường “khe” hoặc thị trường “ngách” để XK (thường là phụ tùng linh kiện điện tử) mà các hãng lớn bỏ qua vì số lượng ít hoặc lợi nhuận không cao. Như vậy, thị trường “ngách” vẫn đang mở rộng cho DN Việt Nam, nếu biết tận dụng cơ hội, được hỗ trợ thông tin và tài chính, đây hoàn toàn có thể là các thị trường tiềm năng để DN điện tử Việt Nam khai thác.
Theo Hiệp hội Điện tử tiêu dùng Mỹ (CEA), nhu cầu thiết yếu về thiết bị và linh kiện điện tử trên thế giới đang tiếp tục tăng trưởng ở mức 8 - 10%/năm. Thời gian tới, thiết bị kỹ thuật số, máy tính, thiết bị viễn thông, đặc biệt là điện thoại di động sẽ tăng trưởng mạnh. Dụng cụ và linh kiện bán dẫn cũng sẽ có mức tăng trưởng khoảng 6%/năm do nhu cầu rất lớn. Đây chính là cơ hội thuận lợi để ngành điện tử Việt Nam nắm bắt khai thác, phát triển.
Cũng theo ông Lê Ngọc Sơn, mấu chốt cơ bản để DN điện tử có thể có động lực và nền tảng khai thác được các thị trường ngách quốc tế là sự hỗ trợ trong thanh toán từ phía các tổ chức tín dụng lớn. Một cơ chế tín dụng tài trợ thanh toán hợp lý sẽ giúp các DN vừa và nhỏ (SMEs) có hy vọng vượt qua những hạn chế hiện tại và sớm gia tăng giá trị trong tổng giá trị kim ngạch XK của toàn ngành.
Năm 2013, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Dự kiến, sẽ có diễn đàn công nghiệp điện tử quốc tế tại Việt Nam, quy tụ những quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển như Nhật Bản, EU, Mỹ… tham dự. Đây là cơ hội để DN Việt thu hút đầu tư qua các phương thức liên doanh, liên kết, trở thành DN vệ tinh cho những thương hiệu điện tử quốc tế hàng đầu.